1.Cửa gỗ:

Đối với các loại cửa thông phòng hay các không gian bên trong nhà, sử dụng cửa gỗ thường dễ phù hợp hơn bởi phần lớn trang thiết bị nội thất thường được làm bằng vật liệu gỗ. Sự đồng bộ về chất liệu của các đồ dùng nội thất cũng như cửa sẽ đem lại cảm giác ấm cúng và hài hòa hơn về mầu sắc cho căn phòng.

Để có tính ổn định cao, nguyên liệu gỗ trước khi đưa vào sản xuất ra mẫu cửa gỗ đẹp đã được xử lý biến tính nhằm hạn chế tối đa hiện tượng hút ẩm, cong vênh, co ngót, mối mọt… Khuôn cánh cửa có thể làm từ gỗ thịt hoặc gỗ ghép thanh với các thanh gỗ ghép đảo chiều ngẫu nhiên thông qua mộng răng lược nhằm phá vỡ liên kết liền mạch của thớ gỗ, triệt tiêu hiện tượng biến dạng, cong vênh và giúp cửa đạt độ bền vững. Nên phủ lớp sơn PU trong để bảo quản mà vẫn thấy được sắc màu và vân gỗ tự nhiên.


Bên cạnh việc sử dụng gỗ thịt căn bản để làm các sản phẩm thì gỗ nhân tạo cũng dần được ưa chuộng bởi chất lượng của gỗ ngày càng được cải thiện. Tuy độ bền của gỗ công nghiệp không cao nhưng hình thức và mẫu mã cũng như các tính năng khác cũng tương đương với gỗ thịt. Có rất nhiều loại gỗ công nghiệp, tùy vào giá thành mà chất lượng của sản phẩm cũng khác nhau.

Ưu điểm của cửa gỗ:

- Độ bền : nếu như được làm từ gỗ thịt tự nhiên và đã qua tẩm sấy thì cửa gỗ đạt được độ bền rất cao. Ngoài ra một số loại gỗ thuộc dạng quý hiếm còn gia tăng giá trị gỗ theo thời gian sử dụng như Pơ mu, Giáng Hương, Đinh Hương, Gụ, Trắc ….

- Tính thẩm mỹ: Vẻ đẹp đặc trưng của gỗ mà không một loại vật liệu nào có đó là các đường vân tự nhiên trên gỗ. Mỗi chủng loại gỗ, từ loại gỗ rẻ tiền đến quý hiếm, mỗi loại lại có một đường vân khác nhau, không có hai loại gỗ có đường vân giống nhau. Cho nên từ xưa những người am hiểu về gỗ có thể nhìn vân gỗ để nhận diện loại gỗ, giống như vân tay của con người vậy . Tuỳ vào sở thích cũng như tùy thuộc vào kinh tế của mỗi người mà lựa chọn một loại gỗ khác nhau để làm cửa. Sau khi hoàn thiện một sản phẩm từ gỗ, có thể sơn PU mầu cánh gián, mầu nâu, mầu vàng nhạt hay đậm … để làm tăng thêm độ bóng và đạt được mầu sắc như ý mà vẫn giữ nguyên được các đường vân gỗ.

- Dễ thi công : Với gỗ tự nhiên thì người thợ có thể dễ dàng chế tạo ra những họa tiết (trạm khắc, đục đẽo…) mang tính mỹ thuật , điều này thường không làm được ở gỗ công nghiệp cũng như các loại vật liệu khác.

Nhược điểm của cửa gỗ:

- Về giá thành: Do gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm, hiện nay hầu hết gỗ tự nhiên được nhập khẩu, vì vậy giá gỗ khá cao. Ngoài ra việc gia công, chế tác gỗ tự nhiên cũng khá phức tạp, đa phần là làm thủ công chứ không sản xuất hàng loạt được như gỗ công nghiệp nên giá thành của sản phẩm gỗ tự nhiên luôn cao hơn khá nhiều so với gỗ công nghiệp. Hiện nay giá cửa gỗ khoảng từ 800.000 đồng – 1.200.000 đồng/m2 nếu là cửa gỗ lim.

- Thay đổi với môi trường: các sản phẩm được làm từ gỗ, đực biệt là cánh cửa, tử bếp hay giá đồ … nếu trước khi đưa và sản xuất mà không được tẩm sấy kỹ lưỡng hoặc tay nghề của người thợ sản xuất không cao thì rất dễ dẫn tới tình trạng cong vênh, co ngót, chất lượng sản phẩm không cao. Hoặc trong quá trình sử dụng không được bảo quản cẩn thận, thường xuyên tiếp xúc với môi trường nắng mưa cũng rất dễ xẩy ra những tình trạng tương tự.

2. Cửa sắt

Cửa sắt thường được dùng đối với các cửa phía ngoài nhà, các loại cửa không được che chắn đối với thời tiết bởi nó có ưu điểm là vững chắc và chịu được khí hậu khắc nghiệt; có độ bền cao với thời gian và có thể bảo trì bằng sơn chống gỉ hay sơn mới. Về chất liệu, tuy không đạt được tính thẩm mỹ cao như cửa gỗ nhưng lại có giá thành thấp. Thường được sử dụng vào các loại cửa ra vào chính, sân thượng hoặc cổng nhà.

3. Cửa kính

Cửa kinh là loại cửa được sử dụng rộng rãi hiện nay bởi cửa kính luôn tạo được tính thẩm mỹ cao cho các công trình, có thể kết hợp kính với gỗ, kính với nhôm , kính với nhựa … tất cả đều tạo được hiệu quả tối ưu. Kính là loại vật liệu trong suốt nên dễ dàng lấy được ánh sáng tự nhiên vào các không gian, tạo ra cảm giác thông thoáng sang trọng cho các phòng chức năng. Kính sử dụng làm vách ngăn có thể tạo được hiệu quả tối ưu, vừa tạo cảm giác sang trọng vừa tạo được cảm giác thông suốt để nối và mở rộng cho các không gian. Một ưu điểm nữa của kính là có thể sử dụng các mảng lớn tới vài m mà không cần đến khung hay đố kính cũng không sợ cong vênh hay co ngót do tác động của môi trường. Tuy nhiên, cửa kính có giá thành khá cao so với các loại cửa khác và cũng dễ vỡ nên cũng phải cân nhắc khi sử dụng trong các không gian dễ xẩy ra va đập mạnh.



4. Cửa nhôm

Ưu điểm nổi bật của cửa nhôm là nhẹ, bền không bị rỉ sét và dễ thi công. Cửa nhôm thường là sự lựa chọn khi làm các vách ngăn hay các loại cửa trong nhà vệ sinh bởi nhôm chịu được ẩm mà không bị gỉ. Ngày nay cửa nhôm cũng có khá nhiều hình thức và mẫu mã để đem lại hiệu quả về tính thẩm mỹ, cửa nhôm giả gỗ có thể khắc phục được mầu sắc đơn điệu thường thấy của nhôm nhờ sơn tĩnh điện. Tuy nhiên giá thành loại này cao và khả năng tạo hoa văn khó khăn hơn cửa sắt.


5. Cửa nhựa

Trên thị trường hiện nay, cửa nhựa khá nổi bật bởi kiểu dáng đa dạng phong phú. Ngoài ra về chất lượng cửa nhựa cũng dần được cải thiện tạo độ an toàn cao và dần đạt được hiệu quả tối ưu khi sử dụng. cửa nhựa cũng có ưu điểm là nhẹ, chịu được nước tốt, giá thành cũng phải chăng và đặc biệt là không bị cong vênh, co giãn nên không xảy ra tình trạng sệ cánh hay kẹt các phụ kiện.Tuy vậy, cửa nhựa không chịu được nhiệt độ cao, dễ cháy và dễ trầy xước.



Cửa gỗ truyền thống và cửa nhựa hiện đại, mỗi loại đều có những tính năng ưu việt của nó. Nhưng nhìn chung, cửa nhựa thích ứng tương đối tốt với điều kiện nhiệt đới như thông gió để lấy sáng, ngoài ra cách sử dụng và bảo dưỡng cũng đơn giản hơn rất nhiều.


Trong ứng dụng, cửa nhựa với nguyên lý vừa đẩy vừa mở có thể quay lật ra ngoài hay vào trong, cửa lùa, cửa sổ mở vòm kiểu xoay, gập, chớp đứng ngang dọc khác nhau… nhằm tạo khoảng thoáng đãng nhiều hay ít tùy theo người sử dụng, đạt hiệu quả đúng như mong muốn.


Các loại cửa nhựa có cấu trúc dạng hộp được lắp thép gia cường để tăng khả năng chịu lực với nhiều khoang trống để cách âm, cách nhiệt do được bơm khí trơ và lắp gioăng kính và có một số phụ kiện như bản lề, khóa, chốt, tay nắm cửa… đi kèm. Màu chủ yếu là màu trắng, nếu là màu khác thì đắt hơn. Giá một bộ cửa cách âm kỹ thuật đắt hơn cửa gỗ, từ 1.400.000 đồng đến 1.800.000 đồng/m2.


Dùng cửa cho đúng chỗ

Đối với cửa gỗ thường thích hợp làm các loại cửa thông phòng, các cửa phía trong nhà bời ngoài yếu tố là để tránh sự xâm hại của môi trường thì cửa gỗ cũng phù hợp hơn với các không gian nội thất trong phòng, bởi đa phần đồ nội thất được làm từ gỗ. Cửa thường có kích thước từ 75cm đến 930cm (bao gồm cả khuôn), chiều cao khoảng 2m đến 2,5m.

Cửa nhôm kết hợp với kính thường được sử dụng làm các vách ngăn phòng hay làm cửa cho nhà vệ sinh bởi nhôm có đặc điểm là nhẹ và không thấm nước, có thể chịu được môi trường ẩm ướt. Cửa sắt thường được dùng là cửa chính, cửa bao ngoài nhà điều này cũng xuất phát từ đặc tính của sắt là có độ bền cao với môi trường, chắc chắn có thể chống được va đập mạnh. Kích thước của cửa thường từ 1,2m đến 2,4m, cao từ 2,2m đến 2,7m và có thể làm 2 cánh hoặc 4 cánh.

Cửa kính dày trên 10 ly là loại kính chịu lực, thường là loại cửa kính không đố hoặc cửa có ô cửa lớn. Loại này thường thích hợp đối với những không gian rộng lớn và cần thoáng đãng như nhà hàng khách sạn văn phòng hay phòng khách trong nhà dân dụng. loại này cũng có thể được sử dụng làm vách ngăn trong các không gian cần sự thông thoáng.

Cửa nhựa kết hợp với kính có thể sử dụng được đa dạng hơn trong tất cả các không gian trong ngoài cũng có thể làm vách ngăn phòng. Với nhiều kiểu dáng phong phú và đa dạng, cửa nhựa có thể sử dụng bất cứ đâu trừ những nơi thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao bởi cửa nhựa không chịu được nhiệt độ cao.
 
Top